Hiển thị tất cả 3 kết quả
ĐÈN EXIT - SỰ CỐ
Hệ thống đèn sự cố (hay đèn khẩn cấp) là hệ thống chiếu sáng các khu vực của tòa nhà khi có sự cố xẩy ra, ví dụ khi nguồn điện lưới bị gián đoạn do mất điện, do hỏa hoạn hoặc do hỏng hóc trong tòa nhà. Phần chính của hệ thống chiếu sáng khẩn cấp là chiếu sáng các lối đi, lối dẫn ra khỏi tòa nhà. Mục đích của đèn sự cố là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán, đặc biệt trong trường hợp xẩy ra hỏa hoạn, nhằm giảm phản ứng hoảng loạn để mọi người có thể bình tĩnh sơ tán ra khỏi tòa nhà.
Vì hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng con người nên việc hiểu rõ về hệ thống chiếu sáng khẩn cấp và các quy tắc an toàn sẽ giúp bạn tránh được những tốn kém và những lúng túng không mong muốn trong quá trình xây dựng tòa nhà.
Tại sao đèn EXIT và đèn sự cố lại quan trọng trong hệ thống an toàn cháy nổ?
Khi nói đến an toàn cho tòa nhà, một trong những điều quan trọng nhất phải nói đến là an toàn cháy nổ. Tính mạng con người có thể được cứu sống nếu tòa nhà có hệ thống phòng cháy an toàn và phù hợp. Ở đây chúng ta xem xét tầm quan trọng của hệ thống đèn EXIT và đèn sự cố trong hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo các quy định về phòng cháy chữa cháy, khi lập quy hoạch dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và thiết kế xây dựng công trình…. đều phải đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Luật cũng quy định bất kỳ ai phụ trách cơ sở thương mại và các khu vực chung của tòa nhà phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của những người làm việc, đến thăm hoặc sống trong tòa nhà. Nhiệm vụ này bao gồm cả việc cung cấp hệ thống đèn EXIT thoát hiểm và đèn sự cố.
Mục đích của đèn sự cố là gì?
Hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy cần phải kết hợp với hệ thống chiếu sáng khẩn cấp vì nó có thể cứu được mạng người theo nghĩa đen. Đèn sự cố được thiết kế khi có trường hợp nguồn điện lưới bị mất, ánh sáng của đèn báo sự cố sẽ được kích hoạt kịp thời, tự động và có thể duy trì thời gian chiếu sáng đủ lâu (thông thường 2 đến 3 giờ) để mọi người có thể sơ tán khỏi tòa nhà một cách an toàn.
Khi chuông báo cháy phát ra mà không có hệ thống cảnh báo và lửa bắt đầu lan ra khắp tòa nhà, cảm giác hoảng sợ sẽ thường xảy ra sau đó. Nếu tòa nhà chìm trong bóng tối, mọi người bắt đầu hoảng loạn, mất phương hướng, không thể tìm thấy lối thoát và điều này càng làm tăng nguy cơ bị thương tích khi mọi người cố gắng tìm đường thoát khỏi tòa nhà. Tuy nhiên, nếu có một lối thoát hiểm rõ ràng được báo hiệu bằng đèn EXIT và đèn sự cố sẽ giúp cho mọi người thoát ra khỏi tòa nhà một an toàn và dễ dàng hơn khi xẩy ra hỏa hoạn.
Phân loại đèn chiếu sáng sự cố
Hiện nay, trên thị trường có 3 loại đèn khẩn cấp phổ biến là đèn sự cố gắn tường, đèn sự cố âm trần và đèn EXIT. Đèn LED chiếu sáng sự cố ngày càng trở nên phổ biến hơn do ưu điểm tiết kiệm điện năng. Pin các đèn khẩn cấp sẽ tự động kích hoạt bật đèn sáng từ 2 đến 3 giờ trong trường hợp bị mất điện.
Đèn sự cố gắn tường
Đèn sự cố gắn tường được thiết kế để treo lên tường. Thiết kế gắn tường giúp đèn trở nên linh hoạt, dễ dàng lắp đặt ở nhiều vị trí khác nhau. Đèn báo sự cố gắn tường phù hợp lắp đặt ở các vị trí như: cầu thang bộ, hành lang, lối đi hoặc những nơi ra vào trong các tòa nhà cao tầng, khu chung cư hoặc khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khách sạn, trung tâm thương mại…
Đèn sự cố âm trần
Đèn sự cố âm trần thường có dạng hình tròn được lắp âm trần. Đèn báo sự cố có thiết kế nhỏ gọn tiện lợi lắp đặt và sử dụng. Ngoài ra, thiết kế âm trần cũng mang tính thẩm mỹ cao cho công trình của bạn.
Đèn EXIT thoát hiểm
Đèn EXIT thoát hiểm cũng là một loại đèn chiếu sáng khẩn cấp. Các đèn này hiển thị vị trí các lối thoát hiểm. Trên mặt đèn EXIT thường có nhiều ký hiệu khác nhau thể hiện hướng thoát hiểm, ví dụ: mũi tên chỉ bên bên trái, mũi tên chỉ bên phải, hoặc mũi tên chỉ 2 bên. Đèn EXIT có thể chiếu sáng ở một mặt hoặc 2 mặt.
Sự khác nhau giữa đèn sự cố được duy trì và không được duy trì là gì?
Đèn sự cố được duy trì là đèn được bật liên tục. Đèn chiếu sáng sự cố được duy trì có thể vận hành bằng công tắc. Chúng có thể được bật liên tục hoặc có thể tự kích hoạt trong trường hợp bị cắt điện. Đèn báo sự cố được duy trì chủ yếu được sử dụng ở những nơi đông người, chẳng hạn như trong rạp chiếu phim.
Đèn sự cố không được duy trì là đèn sẽ không tự bật sáng trừ khi bị cắt điện, đèn chỉ hoạt động khi nguồn điện cung cấp cho đèn bị mất. Đèn sự cố không được duy trì thường đi kèm pin và có thể tự sạc thông qua nguồn điện riêng.
Cũng cần lưu ý là bất kỳ loại đèn chiếu sáng khẩn cấp nào cũng cần phải được kiểm tra định kỳ thường xuyên để đảm bảo đèn hoạt động bình thường và đáp ứng các yêu cầu an toàn liên quan.
Đèn khẩn cấp được lắp đặt ở đâu?
Mỗi tòa nhà sẽ có những yêu cầu cụ thể riêng về chiếu sáng sự cố. Ngay cả trong một tòa nhà, cũng có các yêu cầu khác nhau giữa các bộ phận. Ví dụ, một số khu vực sẽ được hưởng lợi từ ánh sáng tự nhiên, trong khi những khu vực khác sẽ có nhu cầu liên tục về ánh sáng nhân tạo.
Đối với các tòa nhà có người ở vào ban đêm, thông thường sẽ yêu cầu chiếu sáng khẩn cấp ở tất cả các khu vực, kể cả những khu vực được hưởng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày.
Đèn khẩn cấp được thiết kế để chiếu sáng các lối thoát hiểm như hành lang và cầu thang, các vị trí đặt các thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy, hộp chìa khóa có chìa khóa thoát hiểm cho cửa thoát hiểm.
Tóm lại, đèn sự cố thường sẽ được yêu cầu lắp đặt ở những vị tri sau:
- Tất cả các cửa thoát hiểm
- Hành lang, giao lộ hành lang
- Biển báo thoát hiểm khẩn cấp
- Cầu thang và nơi có sự thay đổi vị trí của các tầng
- Khu vực có thiết bị chữa cháy
- Điểm gọi báo cháy
- Thiết bị cần phải tắt trong trường hợp khẩn cấp
- Khu vực thang máy
Mặc dù không bắt buộc phải lắp đèn riêng cho từng khu vực này, nhưng yêu cầu phải có mức ánh sáng tổng thể đủ sáng để mọi người có thể nhìn thấy đường đi và di chuyển được.